Xe đò phục vụ tết quý Tỵ 2013
Hành khách xếp hàng mua vé về Thanh Hóa tại bến xe Miền Đông sáng 3.1.2013.Ảnh: Đoàn Quý |
Hai “ông lớn” cắt bớt xe…
Sáng ngày 3.1, tại quầy bán vé của hãng xe Mai Linh đã trưng nhiều tấm bảng thông báo hàng loạt tuyến đã hết vé, dù việc bán chỉ mới diễn ra vài ngày và chủ yếu bán qua tổng đài điện thoại. Cụ thể, tuyến TP.HCM – Nha Trang hết vé các ngày 26 – 28.12 âm lịch, TP.HCM – Quảng Ngãi hết vé từ 14 – 28.12 âm lịch, TP.HCM – Hà Nội hết vé các ngày từ 22 – 26.12 âm lịch, TP.HCM – Đà Nẵng hết vé từ 21 – 28.12 âm lịch, TP.HCM – Gia Lai từ ngày 25 – 28.12 âm lịch cũng hết vé, và từ ngày 26 – 28.12 âm lịch cũng hết vé tuyến TP.HCM – Buôn Ma Thuột. Liên hệ với phòng bán vé của hãng xe Phương Trang, Mai Linh để mua vé tết tuyến TP.HCM – Đà Lạt cũng được thông báo hết vé.
Trả lời về việc này, ông Hồ Huy, chủ tịch HĐQT tập đoàn Mai Linh (đơn vị quản lý hãng xe Mai Linh) cho hay, sở dĩ năm nay vé xe Mai Linh phục vụ tết hết sớm là do đơn vị ông đã cắt bớt 21 tuyến mà những ngày thường hoạt động không hiệu quả, tập trung chủ yếu ở tuyến TP.HCM đi Tây Nguyên (trong đó, có tuyến “trọng điểm” là TP.HCM – Đà Lạt đã không còn xe chạy trong bến) và các tỉnh miền Bắc.
Điều này dễ hiểu bởi so với 500 xe phục vụ tết năm ngoái, năm nay Mai Linh chỉ còn 300 xe. “Xe ít, cán bộ công nhân viên của tập đoàn Mai Linh là những hành khách được ưu tiên mua vé về quê ăn tết (Mai Linh có tổng cộng 28.000 cán bộ, công nhân viên) nên chuyện Mai Linh mới bán vé xe tết nhưng đã sắp hết vé là điều dễ hiểu”, ông Huy nói.
Còn tại hãng xe Phương Trang, khoảng đầu tháng 12, đơn vị này đã rút lượng xe tuyến TP.HCM – Đà Lạt từ 61 xe xuống còn 27 xe. Trong đó, xe Phương Trang hoạt động ở BXMĐ chạy tuyến TP.HCM – Đà Lạt hiện chỉ có hai tài là 9 giờ và 10 giờ sáng mỗi ngày, nên chuyện khan hiếm vé của hãng này ngay tại BXMĐ là điều khó tránh khỏi.
Chớp thời cơ thổi giá?
Chuyện hai “đại gia” trong lĩnh vực vận tải hành khách đang rút bớt xe, thậm chí cắt luôn tuyến hoạt động không hiệu quả trong ngày thường, vô tình đã đẩy “cờ” đến tay các hãng xe thương hiệu khác đang hoạt động ở BXMĐ, mà bằng chứng hùng hồn nhất là dù không hề thông báo ngày bán vé nhưng không ít hãng đã trưng bảng hết vé ngay trước cửa quầy tại BXMĐ.
Từ hai ngày qua, trước quầy vé của doanh nghiệp Cúc Tư (chạy tuyến Tuy Hòa – Sông Cầu – Sơn Hòa – Sông Hinh); doanh nghiệp Thuận Thảo (các tuyến Huế, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Đà Nẵng); rồi doanh nghiệp Thành Long chạy tuyến Tây Sơn (Bình Định); các doanh nghiệp Chín Nghĩa, Bình Tâm, Sao Vàng, Thiên Trang… chạy tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi cũng treo bảng hết vé tết ngày cao điểm từ 22 – 28 tháng chạp.
“Họ công khai bán rồi mới trưng bảng hết vé thì không ai tức. Đằng này...”, anh Hoàng Tự, sinh viên trường cao đẳng Hải quan bức xúc. Theo anh Tự, các hãng xe chất lượng cao làm vậy chẳng qua là để thổi giá vé mà thôi. Anh Tự dẫn chứng, năm ngoái cũng như năm nay, trước ngày BXMĐ bán vé tết cả tuần hàng loạt các hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Quảng Ngãi đều nói hết vé. Nhưng khoảng mười ngày sau, cũng tại BXMĐ, anh Tự lại mua được vé tết vào ngày 24 tháng chạp (ngày cao điểm) của một hãng xe mà trước đó đã trưng bảng hết vé với số tiền chênh lệch 50.000 đồng.
Điều phản ánh của anh Tự phù hợp với những gì chúng tôi ghi nhận được vào dịp tết năm ngoái tại BXMĐ. Với chiêu “bán vé cho người quen”, tết năm ngoái, chủ một hãng xe chạy tuyến Quảng Ngãi, đã vô tư ngồi ngay trong nhà ga bán vé xe tết cho hành khách đi về trong ngày cao điểm; dù trước đó, doanh nghiệp này trưng bảng hết vé, để lấy tiền chênh lệch một tấm vé từ 20.000 – 50.000 đồng tùy theo số ghế. Đặc biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, nhiều hãng xe chất lượng cao còn chơi chiêu đăng ký tăng tiền vé gốc từ 5 – 7% tùy theo tuyến, nhằm mục đích đẩy vé tết cao thêm chút nào hay chút đấy so với quy định phụ thu tăng từ 20 – 60% so với giá gốc tùy theo ngày.
Liên quan đến chuyện đẩy giá vé gốc, ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc BXMĐ – thừa nhận: trên thực tế có nhiều chứ không phải một vài doanh nghiệp. Trước khi các hãng xe bán vé tết có rất nhiều hãng đã tăng giá gốc lên 5 – 7%. Trả lời câu hỏi tại sao BXMĐ không quản lý giá, ông Hải nói: “Chuyện họ tăng hay giảm giá thì phải thông qua các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, và các cơ quan quản lý này phải có trách nhiệm. Còn bến xe chỉ xem xét việc giá niêm yết đó đã được các cơ quan chức năng ghi nhận chưa, có rồi thì cho niêm yết bán”.
Bến xe cam kết đủ xe
Nhằm trấn an hành khách trước việc các “đại gia” cắt bớt xe và nguy cơ giá vé bị thổi, ông Thượng Thanh Hải vẫn tự tin khẳng định: “Năm nay, nhu cầu của hành khách tới đâu thì chúng tôi giải quyết tới đó. Đảm bảo không thiếu xe để phục vụ hành khách về quê ăn tết”.
Về chuyện hai “đại gia” Mai Linh và Phương Trang đang cắt bớt xe, bớt tuyến, ông Hải cho rằng hai hãng này chủ yếu chạy bên ngoài nên không ảnh hưởng nhiều đến chuyện thiếu xe trong bến. Ông Hải nói thêm, từ ba năm nay, chưa năm nào BXMĐ thiếu xe phục vụ hành khách trong dịp tết Nguyên đán. “Hành khách không nên căng thẳng, rồi lại mất tiền mua vé giá cao”, ông Hải khuyến cáo.
Theo ông Hải, BXMĐ có ba loại vé xe tết khác nhau, mỗi loại chênh lệch nhau khoảng 10%, phục vụ cho từng đối tượng cụ thể và “xe bến cũng có cả giường nằm và xe nào cũng có điều hòa nên hành khách yên tâm về chất lượng”.
Đào Lê – Đ. Quý
tai game dien thoai conggameviet.com
Nguồn: sgtt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét