“Ta balo” cùng tàu euro - Kỳ cuối:
Tại những phòng trọ tập thể, khách phải ở ghép, không phân biệt màu da, giới tính và rất bất tiện về chuyện vệ sinh. Trong ảnh là phòng bốn người ở một nhà trọ gần ga Berlin - Ảnh: Duyên Trường |
Khách sạn như nhà mình
Meninger, khách sạn mà chúng tôi đăng ký trước qua mạng, là một tòa nhà cao tầng nhưng chẳng có sao nào cả. Phòng nhỏ, sạch sẽ, không điện thoại, bố trí khá ngồ ngộ với... hai giường tầng đâu góc nhau. Với giá sinh hoạt đắt đỏ của châu Âu mà chỉ 14 euro/người, vậy là tốt rồi.
Trên tờ rơi quảng cáo của Meninger có hàng chữ The urban traveller’s home (tạm dịch Ngôi nhà đô thị dành cho du khách). Tôi chỉ có thể cảm hết ý nghĩa của cụm từ này vào sáng hôm sau, khi tính toán chuyện ăn sáng. Meninger có tổ chức ăn buffet, nhưng mỗi khách phải đóng thêm 5,9 euro.
Du lịch balô dè sẻn đến từng đồng một, nên bốn chúng tôi lấy mì gói mang từ Việt Nam sang, xuống dưới sảnh tìm xin nước sôi, nào ngờ được cô tiếp tân chỉ dẫn vào một căn phòng nhỏ y như ở nhà. Có bàn ăn, bếp, nồi niêu xoong chảo, chén đũa, mấy lọ gia vị... Cạnh bếp có tủ lạnh, mở ra thì thấy để sẵn jambon, phômai, bánh mì, yaourt, chuối kèm tờ giấy nhỏ: Mời dùng miễn phí. Đây chắc là của du khách nào mang theo dùng không hết nên để lại làm “công tác xã hội”?
Kề bên là một tủ giặt sấy quần áo, bỏ vào 5 euro là có thể giải quyết nhanh chóng những bộ đồ dơ! Thì ra ở khách sạn nhưng sinh hoạt cứ y như ở nhà mình.
Gõ Google, được biết châu Âu có rất nhiều nhà trọ (hostel) tạo điều kiện sinh hoạt y như ở nhà mình. Tiếc rằng Meninger lại là “hàng hiếm” trong suốt chuyến du hành. Một số nhà trọ, khách sạn bình dân khác mà chúng tôi đến ở đều không được kiểu “nhà mình”. Như ở Prague, khách sạn Louis Leger, chúng tôi phải kê khai, trình hộ chiếu; với Ferrarese ở Rome, hai sao hẳn hoi, ngoài 120 euro tiền phòng còn lấy thêm 2 euro/người gọi là thuế thành phố...
Phòng trọ đồng hương
Hai tấm đệm nhỏ dành cho ba gã đàn ông, một chiếc giường nhỏ dành cho quý bà duy nhất, một chiếc tủ đứng đặt quần áo và một cái bàn nước mini là đã chật kín căn phòng chưa đến 10m2. Muốn mở vali ra ư? Xin nhanh tay dựng một chiếc đệm lên! Muốn đi vệ sinh? Vui lòng bước ra ngoài, vào phòng kế bên và gõ cửa để tránh chạm mặt với người không quen...
Đó là phác họa về căn phòng trọ (thuộc khu 3 ngoại ô Paris) của bốn chúng tôi trong ba ngày đêm ở Paris. Do “đụng hàng” với một số anh chị ở Tiền Giang qua dự hội chợ, nên chỗ ở của chúng tôi bị thu hẹp chỉ còn bằng nửa. (Chút vui đính kèm: giá thuê phòng cũng giảm tương ứng). Phòng nằm trong một căn nhà có khuôn viên khá rộng rãi, với một diện tích lớn phía trước là sân. Phòng ở gia chủ cùng nhà bếp nằm bên dưới, còn lại ba phòng tầng trên dành cho thuê.
Chủ nhà là một cặp vợ chồng Việt kiều. Chồng tài xế, vợ làm nhà trẻ kiêm luôn quản lý nhà trọ không tên. Giá rẻ hợp lý (15 euro/người), giao tiếp dễ dàng, vui vẻ, nên nhiều dân Việt công tác hay du lịch balô thường tìm đến đây.
Những ngày ở Frankfurt, Đức chúng tôi cũng trọ tại nhà người Việt. Anh Tòa, dân Bình Phước, đi nấu ăn thuê, vợ là chị Thoa, người Hải Phòng, ở nhà chăm nom con cái. Thỉnh thoảng có mối quen giới thiệu, hai vợ chồng cho người Việt ở trọ, gọi là cải thiện kinh tế chút chút. Nơi trọ này rất là “nhà mình”. Phòng ở rộng rãi, ngăn nắp sạch sẽ, chẳng có sự “trộn lẫn giới tính”.
Không chỉ cho trọ, chị Thoa còn sẵn lòng nấu món ăn Việt theo yêu cầu, với chi phí đố kiếm đâu ra trên nước Đức. Hai vợ chồng đều vui vẻ, nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ đồng hương khi có yêu cầu. Có hôm sau chục ngày đi bụi, mệt và ngán ngẩm thức ăn Tây, chỉ cần alô trước, về đến nhà đã có sẵn nồi cháo gà Việt Nam nghi ngút khói. Trở trời, viêm họng, khô da, hỏi một tiếng là có thuốc ngay...
Được biết những phòng trọ nặng tình đồng hương ở trời Âu giờ cũng kha khá. Có nơi lên mạng để quảng cáo, có nơi in card để đưa người ở trước giới thiệu người ở sau.
Một quán cà phê hè phố ở thành phố Cannes, Pháp - Ảnh: Duyên Trường |
Tôm hùm “mai phục”
Tại các thành phố châu Âu mà chúng tôi đến, từ những quảng trường lịch sử rộng lớn cho đến những con phố nhỏ đi bộ đều có các quán cà phê ngoài trời. Những quán này bày biện khá lịch sự và chẳng hề bát nháo như quán lề đường của ta. Trong tour đi bộ, bao giờ chúng tôi cũng chọn loại quán này để ăn nhẹ hoặc uống cà phê kết hợp ăn trưa với “thực đơn” mua từ siêu thị mang theo. Thỉnh thoảng có những cuộc đi bộ, rồi tàu điện xe lửa nối tiếp nhau cấp tập khiến thời gian không cho gì vào bụng lên đến gần 20 giờ. Sau lúc ấy, thường chúng tôi lại vào quán hẳn hoi, mỗi người một suất theo kiểu Tây và xin thêm vài cái đĩa không để tạo thành một bữa ăn chung nhiều món như ở quê mình.
Sau cả chục ngày ăn uống theo kiểu du lịch bụi ở trời Tây, tôi mới thấm thía hai câuĐi Tây phải sống như ta/Để khi về nhà ta sống như Tâyđược ghi lại trongVì cuộc đời là những chuyến đicủa Hiên Bonnin Trần. Nhưng cuộc đời luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ nên có lúc đi bụi mà cũng ăn sang.
Đó là giữa tour đi bộ thành Venice, chúng tôi dừng bước để ghé vào một quán ăn - cà phê ngoài trời khá dễ thương. Đã 16 tiếng đồng hồ, tính từ lúc lên tàu ở Vienna, chúng tôi chưa có gì bỏ bụng nên quyết định ăn cho đầy đủ. Một xà lách trộn, một khoai tây - bò và một spaghetti hải sản mà chúng tôi chỉ nhìn thấy hình quảng cáo trước quán (không thấy giá), có để những con sò đen rất lạ.
Tiết kiệm, gọi ba món dùng chung cho bốn người. Món hải sản dọn ra, chia nhau xơi trước những con sò đen bên trên. Kế đến là spaghetti. Nhưng chỉ một gắp đũa đầu tiên là phát hiện cái đầu tôm nhọn nằm ẩn khuất dưới những cọng mì. Trời ơi... một chú tôm hùm bị xẻ đôi nằm chìm bên dưới. Dù chú ta thuộc dòng họ tôm hùm khiêm tốn về vóc dáng, nhưng cứ “hùm” là nghe đã đe dọa túi tiền rồi.
Khỏi nói thêm gì về mặt mũi của những nhà “ta balô” lúc này. 80 euro riêng cho đĩa mì Ý hải sản có thể sẽ làm tăng thêm sự nể trọng khách Việt Nam ở anh bồi bàn, nhưng sẽ làm teo tóp lại những bữa ăn kế tiếp.
Dù sao thì Venice ơi, với chú “tôm mai phục” này, bạn đã tạo thêm một ấn tượng nhớ mãi cho chuyến du lịch bụi. Chuyến du lịch mà chúng tôi chỉ mất gần 1.000 euro/người cho 12 ngày dùng xe lửa đi 18 thành phố ở châu Âu. Cái giá đó tôi không dám chắc là có rẻ hơn so với đi xe hoặc máy bay không. Chỉ có thể nói rằng với xe lửa kết hợp đi bộ, chúng tôi đã cảm thấy là đã có được lợi thế hơn trong việc tiếp cận và cảm nhận phong phú nhịp đời cùng cảnh quan châu Âu.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
tai game dien thoai conggameviet
my pham the face shop shoptainha
phim tam ly ohayqua.com
my pham han quoc shoptainha
ban de laptop shoptainha
Nguồn: tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét