Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Đánh giá cuối năm và xem xét cơ hội thăng tiến (P2)

Thông qua bài viết “Đánh giá cuối năm và xem xét cơ hội thăng tiến” phần 1, chắc hẳn bạn đã ý thức được tầm quan trọng của những buổi đánh giá năng lực cuối năm ở công ty.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau buổi đánh giá này, kết quả bạn đạt được không những sẽ ảnh hưởng đến mức lương thưởng cuối năm mà còn tác động lên bước tiến tiếp theo trong sự nghiệp của bạn. Vậy, nếu muốn có sự chuẩn bị tốt nhất cho “cuộc chiến” quan trọng sắp tới, bạn không nên bỏ qua bài viết này.

1. Marketing bản thân: chuẩn bị cho thông điệp về bạn

Đánh giá cuối năm là cơ hội tuyệt vời để bạn marketing về bản thân mình. Như mỗi chiến dịch marketing đều cần có một thông điệp và một hình ảnh chính, xuyên suốt chiến dịch nhằm tạo dấu ấn với công chúng. Để marketing cho thương hiệu bản thân, hãy tạo ra thông điệp cho riêng bạn và củng cố chúng ngay từ bây giờ. Bạn muốn cấp trên nhớ đến bạn vì điều gì, hình ảnh hoặc tính cách mà bạn muốn sếp liên tưởng đến mỗi khi nhắc đến tên bạn?..., hãy liệt kê và bắt đầu khắc họa những dấu ấn riêng này ngay khi có thể. Tất nhiên, hình ảnh mà bạn nên xây dựng là những mặt tích cực hoặc các thế mạnh mà bản thân bạn đã sở hữu từ trước, việc bạn cần làm hiện tại là liệt kê lại và khắc họa chúng rõ nét hơn trong mắt của cấp trên để “nhắc nhớ” về những thành tích bạn đã nỗ lực để đạt được, với vai trò cá nhân hay là một thành viên của nhóm.

2. Trao đổi thẳng thắn và truyền đạt rõ ràng

Chuẩn bị đầy đủ tất cả những thành tích mình đã đạt được cùng với một danh sách dài các số liệu hỗ trợ vẫn sẽ là chưa đủ, nếu chủ nhân của “bản thành tích” này không biết cách truyền đạt tốt nhất với cấp trên. Hãy trao đổi một cách thẳng thắn và chuyên nghiệp với sếp, đi vào trọng tâm và tập trung vào những thành tích quan trọng, thay vì lan man hay “thao thao bất tuyệt” về tất cả mọi loại thành tích từ lớn đến nhỏ của bạn trong năm qua. Nếu hay quên, bạn nên liệt kê những ý chính mà bạn muốn đề cập đến ra giấy và tập diễn đạt trước để tạo cho mình sự bình tĩnh cùng tư thế thoải mái, vì chung quy đánh giá cuối năm cũng chỉ là một buổi trao đổi với cấp trên mà thôi. Nếu trong năm vừa qua, bạn không sở hữu riêng những dự án thành công hay có các thành tích xuất sắc vang dội mà ai cũng nhớ, hãy dùng buổi đánh giá cuối năm để chia sẻ với cấp trên về mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong năm tới cũng như định hướng nghề nghiệp lâu dài mà bạn đã đề ra, sếp có thể giúp bạn chỉnh sửa hoặc đưa ra các định hướng phát triển phù hợp. Sự chuyên nghiệp của bạn thể hiện qua cách bạn trao đổi vấn đề một cách lịch sự nhã nhặn, nhưng không kém phần rõ ràng và quyết đoán trong những định hướng cho tương lai hay các thành tích bạn đã đạt được trong năm.

3. Chủ động mở rộng phạm vi công việc

Đừng chỉ coi buổi đánh giá cuối năm là cuộc chiến “một mất một còn” giữa bạn với cấp trên về vấn đề tăng lương hay thăng chức. Việc đánh giá hiệu quả công việc cuối năm, ngoài mục đích để công ty nhìn lại những gì bạn đã đạt được trong năm và đưa ra các hình thức khích lệ nhân viên bằng lương thưởng hay thăng chức, đánh giá cuối năm còn là dịp để công ty trao đổi với bạn về những dự định, kế hoạch sắp tới mà công ty muốn thực hiện. Vì thế, sau khi cùng sếp đánh giá kết quả một năm làm việc của mình, hãy chủ động trao đổi với cấp trên về những kế hoạch, dự định mà công ty muốn thực hiện trong thời gian sắp tới. Việc làm này vừa giúp bạn ghi điểm trong mắt sếp về một nhân viên có tinh thần cầu tiến, biết chủ động tiếp cận và tìm hiểu thông tin, vừa mang lại cho bạn một cái nhìn rõ ràng về định hướng sắp tới của công ty, từ đó bạn có thể so sánh với định hướng của chính bản thân mình nhằm đưa ra một kế hoạch phát triển bản thân cách tốt nhất để phù hợp với cả hai định hướng từ phía công ty và từ chính bản thân bạn.

4. Biết người biết ta

Trong buổi đánh giá, khai thác vào các thành tích và thế mạnh của bản thân là điều bạn nên làm, tuy nhiên, đừng cố gắng lấp liếm hoặc che dấu đi những nhược điểm của bản thân. “Nhân vô thập toàn”, điều quan trọng khi đánh giá là bạn nhìn rõ được ưu điểm của bản thân để phát huy nhưng cũng ý thức rõ những yếu điểm mà bản thân bạn cần phải khắc phục để có thể hoàn thành tốt nhất các công việc hoặc dự án bạn được giao. Hãy liệt kê cụ thể những phần bạn đã thể hiện tốt, bên cạnh đó, chủ động nêu ra những điểm bạn cần cải thiện và học hỏi thêm cho thấy bạn thực sự trưởng thành, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, sẵn sàng hỗ trợ và đón nhận sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp để hoàn thiện bản thân.

5. Sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp

Trong trường hợp cấp trên nói về những điểm thiếu sót trong công việc, bạn nên tập trung lắng nghe và đón nhận những ý kiến phản hồi một cách tích cực. Hãy nhớ, bạn tập trung lắng nghe để sửa chữa thiếu sót chứ không tập trung lắng nghe để “phản pháo” lại những nhận định của cấp trên. Trong trường hợp bất đồng quan điểm với cấp trên, hãy hỏi rõ lý do vì sao sếp lại có những nhận định đó về bạn, sau khi biết lý do, bạn sẽ nhìn ra vấn đề để biết cách khắc phục hoặc trao đổi lại với cấp trên nhằm “giành lại công bằng” một cách khéo léo và chuyên nghiệp nhất. Tranh cãi với cấp trên là điều không nên, thay vào đó, bạn nên ghi chú lại tất cả những điều bạn còn thiếu sót và nỗ lực cải thiện ngay sau buổi đánh giá. Ngoài ra, đừng tìm cách bào chữa cho những việc bạn đã không làm tốt, đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh chỉ khiến cấp trên nhận xét bạn như một nhân viên thiếu chuyên nghiệp và thiếu tinh thần cầu tiến.


Nguồn: ndhmoney.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét