Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Ông Trương Đình Tuyển: Một nghề cho chín...

(VOV) - "Làm nghề gì cũng được, bằng cấp không quan trọng, mà quan trọng nhất là kỹ năng để làm tốt việc đó"

Tại diễn đàn dành cho thanh niên về nguồn nhân lực do Trung ương Đoàn vừa tổ chức, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ, vấn đề nguồn nhân lực bao gồm 2 nội hàm quan trọng, đó là làm thế nào để phát triển được nguồn nhân lực trẻ và làm thế nào để đưa nguồn nhân lực trẻ đã phát triển vào cống hiến cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

Cơ hội cho thanh niên hành động và cống hiến rất lớn

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển

“Với tất cả tâm huyết của những người thuộc thế hệ đã già như chúng tôi, tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ rằng, trước mắt chúng ta vẫn khó khăn, nhưng cơ hội cho thanh niên hành động và cống hiến rất lớn. Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển chóng mặt, tạo ra vô số nhiều ngành nghề mới. Cùng với đó, do điều kiện hội nhập quốc tế cũng đã tạo ra những quy mô lớn sản xuất lớn, tạo điều kiện để thu hút thanh niên. Đó là một cơ hội trung hạn rất lớn. Có thể bây giờ, chúng ta thấy xin việc làm là khó, nhưng rõ ràng cơ hội phía trước rất lớn. Chúng ta thấy phân công lao động cũng càng ngày trở nên sâu sắc và nhiều ngành nghề mới phát triển mà chúng ta không hình dung được. Cũng như cách đây mấy mươi năm, chúng ta cũng không hình dung được ngành nghề mới phát triển như bây giờ”- nguyên Bộ trưởng Thương mại chia sẻ.

Theo ông Tuyển, cùng sự hội nhập thị trường toàn cầu, chúng ra không chỉ lo tiêu thụ trong nước mà có thể phát triển để xuất khẩu khắp thế giới. Quy mô của các doanh nghiệp có thể lớn tới mức chúng ta không thể đo đếm được.

Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật nhanh, đòi hỏi chúng ta, đặc biệt là thanh niên phải hết sức nỗ lực phấn đấu thì mới có thể đuổi kịp được sự phát triển.

Ông lấy một ví dụ về sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà một nhà triết học, đồng thời là kỹ sư người Thụy Sỹ đã so sánh một cách hình ảnh về sự phát triển này. Câu chuyện được nguyên Bộ trưởng diễn giải rằng, nếu như ví lịch sử phát triển là 600.000 năm (đây là giả thuyết vì lịch sử nhân loại có thể hàng triệu năm) với một cuộc đua maraton 60 km, thì phần lớn chiều dài cuộc đua, đoàn vận động viên chạy qua những con đường cực kỳ khó khăn, những cánh rừng nguyên thủy mà không ai biết gì về nó. Thế giới sống trong một thời đại như vậy rất dài, gần hết cả thời gian 600.000 năm.

Đến cây số cuối cùng, thì xuất hiện những công cụ cổ sơ và những bức vẽ trong hang động thể hiện niền văn minh đầu tiên của loài người. Đến cây số 59 thì mới bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu của nghề nông. 200m trước khi đến đích, con đường được lát đá, các đô thị trung đại bao quanh con đường. 50m trước khi đến đích có một người đứng đó theo dõi đoàn đua với đôi mắt thông minh đó là Leona Dvanhci, đó là thời điểm những người kỹ sư bắt đầu xuất hiện trên thế giới này cách đây 500 năm.

10m nữa con đường vẫn được chiếu sáng bởi những bó đuốc và ánh đèn le lói, nhưng khi băng qua 5 m cuối cùng thì có sự kỳ lạ đến sửng sốt, ánh sáng chan hòa trong con đường đêm, tiếng gầm rít trên bầu trời, xe không có động vật kéo lăn trên đường, người chiến thắng bị lóa mắt bởi ánh sáng của máy ảnh kỹ thuật số và máy quay truyền hình…

Theo nguyên Bộ trưởng Tuyển “so sánh như vậy để thấy được tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật ghê gớm mức nào, đòi hỏi chúng ta phải có cực kỳ nỗ lực. Phải nỗ lực nâng cao kỹ năng thì mới có thể đuổi kịp được sự phát triển. Để làm được việc đó, đòi hỏi phải có một lực lượng lao động chất lượng cao. Hiện nay, lực lượng lao động này trở thành cạnh tranh cơ bản, cạnh tranh dài hạn của mỗi quốc gia. Nếu chúng ta đi Hàn Quốc thì thấy khẩu hiệu ở khắp nơi “Tài nguyên là có hạn, còn sức lao động của con người mới là vô hạn”. Đó gần như là một phương châm phấn đấu, là tinh thần, ý chí kiên cường của người Hàn Quốc”.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, chúng ta đang tụt hậu rất xa. Tại hội nghị CG mới đây đánh giá nguồn nhân lực của Việt Nam còn kém, tiền lương thì tăng quá nhanh so với năng suất lao động. “Đó là một sự hổ thẹn của một dân tộc có một truyền thống lịch sử hào hùng. Như vậy trách nhiệm đặt lên vai thế hệ trẻ rất lớn. Tất cả chỉ trông đợi ở thanh niên. Thế hệ chúng tôi chỉ có thể đóng góp ý kiến còn không đủ sức để thực hiện nữa”.

Quan trọng nhất là kỹ năng làm việc

Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, chúng ta nói rất nhiều đến tinh hoa, nhưng điều này rất không hợp lý. Mô hình đào tạo của nước ta khập khiễng đến mức lãng phí. Trách nhiệm không phải chỉ ở thanh niên trong việc hướng nghiệp, dạy nghề, chạy theo bằng cấp mà còn có trách nhiệm của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước.

Trên thế giới, tỷ lệ 1 đại học, 4 trung cấp, 10 công nhân thì chúng ta đang là 1 đại học, 3 trung cấp và 0 công nhân. Cho nên, mô hình này là khập khiễng, gây ra nhiều lãng phí cho xã hội. “Có khi 1 người tốt nghiệp đại học lại đi bán hàng. Một người thống kê được học đại học khác một người thống kê chỉ học trung cấp. Trung cấp là tập hợp số liệu, nhưng người học đại học thông qua số liệu đó phân tích xu hướng phát triển như thế nào” – nguyên Bộ trưởng phân tích.

Dù làm nghề gì cũng được, quan trọng nhất là kỹ năng để làm tốt việc đó (ảnh: Thanh niên)

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, phải hướng thanh niên theo tinh thần “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Dù làm nghề gì cũng được, bằng cấp không quan trọng, mà quan trọng nhất là kỹ năng để làm tốt việc đó. Đây là một điểm yếu của thanh niên thời nay. “Thanh niên đang chạy theo xu hướng bằng cấp. Tôi không phản đối đối bằng cấp. Tất nhiên bằng cấp nếu thực chất thì sẽ là thước đo về kiến thức, nhưng điều quan trọng là khả năng truyền kiến thức ấy vào thực tiễn thế nào, thì đang rất yếu. Thanh niên bây giờ ai cũng đua nhau học đại học, mà không tham gia vào lực lượng lao động”- Ông Trương Đình Tuyển trăn trở.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại cũng rất tâm đắc với quan điểm của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan rằng, trong công việc quan trọng nhất là kỷ luật lao động, sự tâm huyết với nghề mình làm. “Nghề nghiệp thể hiện tâm huyết của mình, thanh niên phải làm được việc ấy. Nhiều người hiện nay dùng nghề để kiếm sống là chủ yếu, làm để cho qua chuyện chứ không phải làm để gửi gắm tất cả tâm hồn vào sản phẩm. Tôi mong phải tạo được những phong trào sôi nổi như phong trào “Ba sẵn sàng” thời chống Mỹ, để luôn cuốn hút thanh niên, khơi dậy được sự nhiệt tình cống hiến của thanh niên”- Ông Tuyển nói.

Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, hiện nay Đoàn thanh niên đang có một “cánh tay” cực kỳ quan trọng là Hội Doanh nghiệp trẻ. Đoàn phải tận dụng cơ hội này để tạo ra sức lan tỏa, kết nối thanh niên, sinh viên, học sinh với Hội Doanh nghiệp trẻ để Hội định hướng nghề nghiệp cho họ, đồng thời thu hút lực lượng này tham gia vào tổ chức Đoàn ngày càng nhiều./.


Nguồn: vov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét