Những đêm dài trăn trở
Nói về những ngày thai nghén ý tưởng, Lợi bộc bạch: "Năm 1980 đến 1985 tôi còn trong quân ngũ thuộc sư đoàn xây dựng làm tuyến đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Thư viện của sư đoàn có rất nhiều sách viết về Hồ Chí Minh và tư tưởng nhân ái của Người, buổi tối tôi thường mượn về đọc một cách say mê. Đó cũng là lúc tôi nảy ra ý định làm một việc gì đó, dù nhỏ nhoi thôi để giúp người khác và tôi liên tưởng đến hình ảnh của những người khuyết tật, nghĩ làm sao cho họ có cuộc sống ổn định như người bình thường". Từ đó, đêm nào cũng vậy, ngoài đọc những cuốn sách viết về Bác Hồ, Lợi mày mò đọc tất cả các cuốn sách viết về kỹ thuật may, mộc và làm khung hình.
Cuối năm 1985, Châu Đình Lợi xuất ngũ. Với vốn kiến thức đã tích lũy được, anh đi khắp các xưởng dệt may và làm khung hình trong cả nước để nghiên cứu thực tế. Sau nhiều trăn trở nhưng vẫn không tìm ra mô hình phù hợp, anh quyết định đi học lớp tâm lý người khuyết tật. "Mình phải hiểu được họ thì mới giúp được. Có đợt tôi thấy nản ghê gớm, thử nghiệm mô hình nào cũng không phù hợp, trong khi số tiền tiết kiệm mấy triệu đồng ngày càng cạn kiệt", anh Lợi tâm sự. Để tiếp tục theo đuổi giấc mơ lập doanh nghiệp cho người khuyết tật, không ít đêm trắng Lợi đã phải làm thêm đủ việc từ gia công đồ mỹ nghệ cho đến nhận khoán đóng giày da. Anh bảo: "Mỗi lần suy sụp tôi lại vịn vào câu nói: Không có việc gì khó, chỉ sự lòng không bền để "xốc" lại tư tưởng cho vững vàng hơn, quyết tâm hơn. Có những hôm mệt, ngủ gật ngay tại chỗ nhưng ý chí không hề lung lay".
Tìm ra giải pháp
Sau 14 năm "tìm đường", năm 1999, Châu Đình Lợi chính thức thành lập cơ sở khung hình người khuyết tật Nhật Ân. Sau khi thành lập, anh đi khắp nơi tuyển dụng người khuyết tật. Với anh, đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, cũng là một niềm hạnh phúc lớn. Không giấu được niềm vui, anh kể: "Làm giày da thì sợ ảnh hưởng sức khỏe, làm mỹ nghệ thì sợ nhân công mệt, làm thực phẩm thì sợ ô nhiễm môi trường. Cuối cùng, tôi chọn làm khung hình bằng nhựa. Khung hình được đặt đúc sẵn, người khuyết tật chỉ việc lắp ráp vào, rất nhẹ nhàng". Theo Lợi, anh cũng chính là người đầu tiên ở khu vực miền trung sáng tạo ra cách làm khung hình bằng nhựa. Loại khung hình này vừa nhẹ vừa bền lại tiện lợi trong việc tháo ráp. Đặc biệt mẫu mã, hoa văn khác lạ trên khung hình đều do tay anh thiết kế.
Những ngày đầu, cơ sở của Lợi chỉ có hơn 10 người. Năm 2004, để giúp được nhiều người tàn tật hơn, anh bán miếng đất ở đường Bạch Đằng cộng thêm số tiền tiết kiệm và tìm mua đất ở Vĩnh Ngọc, nâng cấp cơ sở thành Công ty tư nhân Nhật Ân. Sau khi thành lập công ty, anh tuyển thêm mấy chục người khuyết tật khác. Họ thuộc mọi lứa tuổi và đều mắc phải các khiếm khuyết khác nhau như: câm, điếc, mù lòa, liệt chân, vẹo sống lưng... nhưng ai cũng được anh phân công việc làm thích hợp. Mù lòa thì lau chùi khung tranh, câm điếc thì lắp ráp, liệt chân thì ngồi đóng thùng. Khó khăn lớn nhất của Lợi là giảng giải các kỹ thuật và cách làm cho những công nhân này. Sợ kỹ năng truyền đạt bằng hành động, ký hiệu của mình không bài bản, anh nhờ giáo viên giỏi ở các trung tâm khiếm thính về truyền đạt ý của mình đến với công nhân. Xúc động trước việc làm của Lợi, Nguyễn Thị Hải, một công nhân vừa liệt chân vừa điếc giãi bày: "Nếu không có anh Lợi thì chẳng biết cuộc đời chúng tôi sẽ trôi dạt về đâu. Công nhân đau ốm anh Lợi còn lo thuốc thang tận tình. Hằng tuần anh còn kể chuyện về Bác Hồ, cả những câu chuyện về những tấm gương vượt khó trong cuộc sống cho các công nhân nghe. Anh Lợi luôn dạy chúng tôi sống có chí, nhân hậu và tiết kiệm. Rồi sẽ có ngày anh cho ra thăm Lăng Bác Hồ".
Đau đáu lo cho tương lai... người dưng
Hiện nay, Công ty Nhật Ân của Lợi đã có gần 50 công nhân là người khuyết tật. Khung hình của anh được khắp nơi đặt hàng. Kỹ thuật và tốc độ lắp ráp của người khuyết tật chẳng thua kém người bình thường là bao. Để bảo đảm quyền lợi cho các công nhân khiếm khuyết này, Lợi đến tận nhà họ hoặc địa phương nơi họ sinh ra liên hệ làm hồ sơ để đóng bảo hiểm xã hội và các khoản phúc lợi khác. Thu nhập trung bình của mỗi người khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy chưa có nhà nội trú nhưng Châu Đình Lợi đã thuê nhà giá rẻ ngay bên cạnh công ty cho các công nhân ở. Dù đã sắp xếp tất cả ổn định, anh Lợi vẫn còn đau đáu nhiều nỗi niềm. Anh chia sẻ: "Bây giờ tôi đã ngoài 50, sức khỏe cũng yếu, chỉ lo sợ không giúp nhiều được cho họ. Dạo này không đi xa tìm và tuyển được nên tôi thường đăng thông tin tuyển dụng lên ti-vi, đối tượng tuyển dụng ghi rõ là người khuyết tật. Nhiều người nói tôi có vấn đề thần kinh vì với mức lương này, có thể tuyển được nhiều người bình thường, làm việc hiệu quả hơn. Từ ngày thành lập cơ sở đến nay, ngoài tiền trả lương, tiền lời dư ra bao nhiêu tôi ủng hộ cho người nghèo và xây nhà tình nghĩa cho địa phương hết".
Nguồn: www.nhandan.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét