Tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM ngành xây dựng đã mấy tháng nay nhưng Trần Thanh Hòa vẫn chưa kiếm được việc làm đúng chuyên môn. “Tôi thường xuyên đọc báo, vào các trang web giới thiệu việc làm, thậm chí nhờ thầy cô, người quen giới thiệu để tìm việc nhưng ở đâu cũng bị từ chối” - anh Hòa tâm sự.
Ít việc làm
Hòa cho biết cùng khóa với anh có 20 sinh viên (SV) nhưng đến nay vẫn chưa có ai tìm được công việc ổn định và đúng chuyên ngành. Hầu hết đều làm trái ngành để sống hoặc về quê tìm cơ hội. Riêng anh Hòa, dù đã cố gắng tìm việc khắp nơi, thậm chí chấp nhận làm việc trái chuyên ngành nhưng cuối cùng vẫn thất nghiệp.
Anh Hòa kể: “Thấy doanh nghiệp (DN) nào đăng thông tin tuyển dụng hoặc nghe ai giới thiệu là tôi tìm đến nhưng kết quả vẫn chỉ là những cái lắc đầu. Tôi đành xin làm nhân viên bán hàng cho một hãng điện thoại để có tiền lo cho đứa em đi học nhưng cũng không trụ được bao lâu. Sau đó, tôi lại đi làm tiếp thị cho nhãn hiệu mì Nissin. Ngày nào cũng chạy ngoài đường đến từng cửa tiệm tạp hóa để bán hàng, làm được một tháng thì tôi và các bạn bị công ty ép doanh số, cho nghỉ việc. Từ đó đến nay, tôi cũng được vài nơi phỏng vấn nhưng vẫn chưa tìm ra việc mới”.Sinh viên Bảo Thiện (bìa phải) và Chu Mạnh Tùng tìm kiếm thông tin việc làm
Ảnh: HỒNG NHUNG
Bên cạnh những người đã tốt nghiệp, nhiều SV đang theo học cũng không khỏi lo lắng cho nghề nghiệp tương lai của mình. SV Chu Mạnh Tùng (Khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa TPHCM) cho biết khóa học của Tùng có 350 SV sắp ra trường, đa số đều lo bị thất nghiệp. Theo Tùng, những năm trước, nhiều DN trong ngành xây dựng tìm đến khoa để tuyển nhân sự. Năm nay, dù chỉ còn 2 tháng nữa tốt nghiệp nhưng vẫn chưa thấy DN nào đến. “Các DN xây dựng đang gặp khó khăn nên không có nhu cầu tuyển thêm kỹ sư. Tôi và các bạn đang lo sau khi ra trường sẽ không xin được việc làm” - Tùng nói.
Học cùng lớp với Tùng, SV Bảo Thiện cũng lo lắng: “Tôi đã nộp hồ sơ xin việc cho 3 công ty xây dựng nhưng chưa nơi nào trả lời. Hầu như các công ty đều không tuyển người trong thời điểm này”.
Thấp thỏm lo mất việc
Không chỉ SV, nhiều kỹ sư xây dựng làm việc lâu năm cũng thấp thỏm lo mất việc do hàng loạt công ty xây dựng ngưng kinh doanh hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Làm giám sát công trình cho một công ty thi công ở tỉnh Bình Dương được 5 năm, anh Phạm Trọng Hùng, quê ở Hà Tĩnh, cho biết vừa nghe tin sau Tết công ty sẽ cắt giảm một số nhân viên hành chính và kỹ sư giám sát công trình. Hiện công ty đã nợ 2 tháng lương, nhiều nhân viên đã xin thôi việc. “Thu nhập của tôi giảm một nửa so với những năm trước. Năm nay chắc chắn không có thưởng Tết. Đây là tình hình chung của nhiều DN xây dựng. Nếu thất nghiệp, tôi cũng chưa biết phải tìm việc gì để làm” - anh bày tỏ.
Anh Hoàng Trọng Phúc, quê Nghệ An, làm giám sát công trình cho Công ty CP Xây dựng Trung Nam (TPHCM) được hơn một năm. Do đặc thù công việc, anh thường xuyên theo giám sát công trình ở các tỉnh - thành, thu nhập rất ổn định. Tuy nhiên, do công ty gặp khó khăn nên đã nợ lương nhân viên 6 tháng. Không còn cách nào khác, anh phải nghỉ việc và hơn một tháng qua chưa tìm được chỗ làm mới.
Anh Trần Hà Văn, 30 tuổi, kiến trúc sư, tâm sự: “Bản thân tôi cũng đang chới với, không biết khi nào mình sẽ mất việc”. Anh Văn nhận định do thực trạng đóng băng nhà đất, các dự án xây dựng đều giậm chân tại chỗ; các DN thua lỗ, không có khả năng chi trả lương, thưởng cho nhân viên. Trước tình hình thu nhập ngày càng thấp, nhiều đồng nghiệp của anh đã chủ động bỏ việc, chuyển hướng tìm việc ở những lĩnh vực khác.
Theo ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (quận 10 - TPHCM), hầu hết các DN xây dựng, trong đó có Công ty Hùng Vương, đều phải cắt giảm nhân sự, không tuyển thêm người để giảm bớt chi phí trong tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay.Giảm trên 61% nhu cầu lao động Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu lao động ngành xây dựng - kiến trúc trong quý IV/2012 giảm trên 61% so với quý III. Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm, cho biết hiện thị trường bất động sản vẫn ngưng trệ khiến các DN trong ngành xây dựng gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự và thu hẹp tuyển dụng. Dự báo, tình hình sẽ sáng sủa hơn từ quý II/2013. |
Nguồn: nld.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét