Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh Vũ Văn Hoàn (25 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, người từng có 5 năm quản lý cho một công ty bảo vệ tỉnh Bình Dương), chia sẻ: “Chỉ một số công ty uy tín đòi hỏi bằng cấp, còn lại phần lớn công ty đều hoạt động theo kiểu hình thức chụp giật, khi nhận hồ sơ đi làm nhân viên sẽ phải mua đồng phục của công ty sau đó được đào tạo cấp tốc trong 3 ngày. Hồ sơ gồm sơ yếu lý lịch, hộ khẩu, giấy khám sức khỏe cùng với giấy chứng nhận chưa có tiền án, tiền sự, bằng cấp có cũng tốt, không cũng chẳng sao. Nộp hồ sơ xong, người xin việc có thể trở thành vệ sĩ”.
Không chỉ vậy, anh N.T.D., “thủ lĩnh” của một công ty bảo vệ thổ lộ, do tình hình phát triển kinh tế nên nhu cầu cung cấp dịch vụ bảo vệ (DVBV) rất cấp thiết và hiệu quả kinh doanh trên lĩnh vực này rất cao, nên nhiều doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện kinh doanh DVBV sẵn sàng bỏ qua một số quy định bắt buộc và nghĩ ra nhiều chiêu đối phó với các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện kinh doanh DVBV luôn kết nối thông tin với nhau về việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Khi có “động” thì họ tự tháo dỡ biển hiệu, đóng cửa hoặc chuyển đi nơi khác.
Ảnh minh họa. |
“Khi đoàn kiểm tra đến thanh tra, kiểm tra, hầu như không có mặt người đứng đầu doanh nghiệp tại thời điểm đó. Nên lực lượng chức năng không được cung cấp các hồ sơ có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện kinh doanh DVBV bị thanh kiểm. Do vậy, đoàn kiểm tra chỉ lập biên bản và yêu cầu đại diện doanh nghiệp đến Phòng Cảnh sát QLHC Công an tỉnh Bình Dương (PC64) để làm việc.
Nói về các công ty DVBV, một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát QLHC Công an tỉnh Bình Dương (PC64), trăn trở: “Việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên bảo vệ, đa số các doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn nhân viên từ bộ đội phục viên, Công an đã xuất ngũ, bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và các thanh niên có nguyện vọng, sức khỏe, lý lịch rõ ràng. Song, do lực lượng lao động đối với dịch vụ này đang thiếu, nên các doanh nghiệp tuyển nhân viên với số lượng lớn mà không kiểm tra kỹ sức khỏe và lý lịch, trình độ học vấn, phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước và trình độ hiểu biết pháp luật. Đã vậy, khi tuyển xong, doanh nghiệp thường chỉ chú trọng kinh doanh, mà không thường xuyên giáo dục cho nhân viên về phẩm chất đạo đức, nên dẫn đến tình trạng nhân viên bảo vệ vi phạm pháp luật xảy ra nhiều và đang có chiều hướng gia tăng.Điển hình như vụ Trần Vương Nhựt Tân (21 tuổi, ngụ phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An) - nguyên Tổ trưởng Tổ bảo vệ tại Công ty Frama Group, sát hại nữ thông dịch viên; Hồ Hữu Cành (26 tuổi) - nguyên là nhân viên Công ty TNHH DVBV Hoàng Gia, chi nhánh Bình Dương sát hại gái bán dâm để cướp tài sản…”.
Theo thống kê của Phòng PC64 Bình Dương, trong đợt kiểm tra gần đây nhất của cơ quan Công an, tại thị xã Thuận An có 26 doanh nghiệp DVBV đã phát hiện 6 doanh nghiệp vi phạm chủ yếu về các hành vi không giấy phép đủ điều kiện ANTT, tuyển nhân viên sai quy định và sử dụng công cụ, hỗ trợ không giấy phép; 8 doanh nghiệp không kiểm tra được toàn diện vì thiếu giám đốc; 12 doanh nghiệp tháo dỡ bảng hiệu, đóng cửa và chuyển đi nơi khác.
Tại thị xã Dĩ An có 40 doanh nghiệp làm DVBV qua kiểm tra đã phát hiện 20 doanh nghiệp vi phạm một trong các hành vi trên; 11 doanh nghiệp không kiểm tra được toàn diện vì thiếu giám đốc và 9 doanh nghiệp tháo dỡ bảng hiệu, đóng cửa và chuyển đi nơi khác…
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét