Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Áp trần lãi suất cho vay: Vốn lại chảy vào "chỗ trũng"

 Trước ý kiến một số doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên áp trần lãi suất cho vay để các doanh nghiệp đều được hưởng những ưu đãi từ các lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Vấn đề quy định một trần lãi suất cho vay chung chúng tôi đã không đặt ra, đang không đặt ra và sẽ không đặt ra.” 


 Muốn doanh nghiệp được bình đẳng
 

Mặc dù đồng thuận với những chính sách được điều chỉnh linh hoạt trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước nhưng không ít chuyên gia cũng như doanh nghiệp đã thất vọng vì Ngân hàng Nhà nước không áp trần lãi suất cho vay.
Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 8% nhưng vẫn thả nổi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, chưa kể hiện tượng lách luật huy động nên khả năng doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất thấp sẽ rất khó...
Một doanh nghiệp chế biến cá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất cho vay thì sẽ như chiếc neo nhằm gỡ khó, giúp doanh nghiệp có cơ hội đến với nguồn vốn một cách công khai minh bạch hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh: “Áp trần lãi suất cho vay là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu áp trần lãi suất cho vay cách đây một năm hoặc nửa năm thì doanh nghiệp sẽ đỡ khó khăn hơn.”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, thời gian qua lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Lẽ ra, Ngân hàng Nhà nước phải áp trần cho vay, tổng rà soát hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại nhưng lại “bỏ lửng” việc này. Vì vậy, doanh nghiệp chưa được lợi nhiều từ các lần điều chỉnh lãi suất.
Còn một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông đã từng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước cần bỏ trần lãi suất huy động và thiết lập trần lãi suất cho vay. Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân vay tiền với khả năng chịu đựng được và chi phí chấp nhận được."
Theo vị lãnh đạo này, lãi suất cho vay danh nghĩa sắp tới khoảng 12-13%/năm là chấp nhận được. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế nước ta, trần lãi suất cho vay phải được điều chỉnh hàng quý và có thể đến tháng 6-2013 lãi suất cho vay xoay quanh ở mức 10,5-11%/năm, khi đó trần lãi suất huy động 7,5-8%/năm là hợp lý.
Ông lý giải, Việt Nam là một trong những nền kinh tế ít ỏi có lãi suất huy động và cho vay cao như hiện nay, tuy có muộn nhưng nếu áp trần lãi suất cho vay với tất cả lĩnh vực sẽ giúp nền kinh tế có những điều kiện để phục hồi tăng trưởng tốt hơn.
 
Không áp trần cho vay 

Chiều 27/12, tại buổi gặp gỡ báo chí cuối năm, trả lời câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có áp dụng trần lãi suất cho vay hay không? Thống đốc lý giải, giả sử năm 2012, Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất cho vay chung đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ không đạt được mức tăng trưởng 5,5% như hiện nay.
Thống đốc lấy ví dụ như lĩnh vực bất động sản nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vay với mức lãi suất cao nhất. Do đó, nếu áp trần thì sẽ khó đánh giá đúng định hướng sản xuất kinh doanh và vốn sẽ bị hút vào những vực kinh doanh khác, lĩnh vực không ưu tiên.
“Ngân hàng Nhà nước đã đang và sẽ không đặt vấn đề áp trần lãi suất cho vay chung đối với tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực cụ thể như 4 lĩnh vực đã được nêu trước đó (nông nghiệp nông thôn, các dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, lĩnh vực phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ) và giờ thêm một lĩnh vực mới đó là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao thì Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét áp dụng trần lãi suất cho vay” – Thống đốc khẳng định.
Thống đốc cũng gợi mở, có thể trong năm tới Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng với lãi suất hợp lý hơn để đẩy mạnh được tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đang được áp trần lãi suất cho vay.
Đồng tình với ý kiến của Thống đốc, cũng có chuyên gia cho rằng, việc áp trần lãi suất cho vay có thể gây ra tác dụng ngược.
Chuyên gia này lý giải, khi trần lãi suất cho vay được đưa ra, để phòng ngừa rủi ro, các ngân hàng thương mại sẽ có xu hướng chỉ lựa chọn các doanh nghiệp lớn, có uy tín để cho vay với lãi suất sát trần. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có uy tín sẽ càng khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Trong trường hợp muốn tiếp cận được thì có thể sẽ phải trả thêm một số khoản phụ phí để lách trần.

Nếu điều này xảy ra thì phí tổn lãi suất mà các doanh nghiệp phải trả cho các ngân hàng thương mại không những không giảm mà có thể còn tăng thêm trên thực tế. Tăng trưởng tín dụng khi đó sẽ càng bị chậm lại và nguồn vốn tiếp tục bị ứ đọng./.

Minh Thúy (Vietnam+)


Nguồn: www.vietnamplus.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét